Nguyên nhân gây ho đêm ở người cao tuổi
Thực chất, ho về đêm không phải là một bệnh mà chỉ là một biểu hiện của bệnh lý nào đó, hay gặp nhất là bệnh phổi. Đối với người cao tuổi, cần căn cứ vào các biểu hiện để có thể dự đoán nguyên nhân gây bệnh:
Ho do hen suyễn: Người bệnh hen suyễn thường có những cơn hen đột ngột xuất hiện và thường xảy ra lúc đêm về sáng hoặc khi gặp phải phấn hoa, lông thú,... với những triệu chứng như chảy nước mắt, nước mũi, ho kèm theo thở rít tăng dần cùng cơn khó thở dữ dội như bị bóp nghẹt.
Viêm đường hô hấp trên: người bệnh có thể chảy mũi, đau ngực, kèm theo ho có đờm và có thể sốt, lạnh run. Triệu chứng ho có thể nặng lên về đêm do nhiệt độ xuống thấp, không khí khô khiến cổ họng bị kích thích hoặc do đờm ứ đọng trong đường thở, dẫn đến khó thở và ho.
Viêm hô hấp dưới: người bệnh có thể có các triệu chứng như thở dốc, khó thở, lạnh run, ho nhiều kèm theo đờm lẫn máu. Ho dữ dội cả ngày lẫn đêm khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, đau cơ; khi không được điều trị dứt điểm dễ trở thành mạn tính.
Ho do dị ứng thời tiết, khói bụi: Triệu chứng dễ thấy nhất là người bệnh ngứa, rát họng và ho khan. Triệu chứng này thường nặng hơn về đêm do không khí khô và nhiệt độ hạ thấp.
Giải pháp hữu hiệu trị ho đêm ở người cao tuổi
Giữ gìn vệ sinh mũi – miệng
Người xưa vẫn có câu “bệnh tòng nhập khẩu, hoạ tòng khẩu xuất” bởi vi khuẩn có thể theo đường miệng tấn công vào cơ thể, khiến cho cơ thể sinh bệnh. Đánh răng, súc miệng nước muối, dùng nước muối nhỏ rửa mũi trước khi đi ngủ chính là cách hữu hiệu nhất làm giảm sự sinh sôi của các vi khuẩn trong mũi và miệng giúp giảm thiểu khả năng mắc các bệnh hô hấp và đường ruột. Bên cạnh muối, mật ong cũng là một chất sát khuẩn rất tốt. Người lớn tuổi có thể sử dụng một tách trà nóng, cùng nước cốt chanh và mật ong vào mỗi buổi chiều để làm sạch họng, giảm ho, co màng nhầy và bảo vệ đường hô hấp.
Đảm bảo nhà ở luôn sạch sẽ với độ ẩm vừa đủ
Chúng ta đều biết rằng, không khí có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống. Vì vậy, để ngừa ho, cần đảm bảo cho người lớn tuổi môi trường nhà ở thông thoáng, không khí thoáng sạch với độ ẩm vừa phải. Cụ thể, nếu độ ẩm trong nhà quá cao, cần thường xuyên dọn dẹp, làm sạch để vi khuẩn, virus không có cơ hội sinh sôi, phát triển. Ngược lại, trong môi trường có độ ẩm không khí thấp, khi ngủ đường hô hấp sẽ bị khô, gây kích ứng, khó chịu, nên sử dụng máy tạo độ ẩm không khí hoặc trồng một chậu cây lan ý, húng quế, bạc hà,… giúp lọc không khí, cân bằng độ ẩm, nâng cao khả năng chống lại các dấu hiệu nấm mốc.
Tăng cường hệ miễn dịch, giữ ấm cơ thể
Lý do cơ bản và chủ yếu của những cơn ho đêm vẫn là từ thực tế người già có hệ miễn dịch yếu kém, sức đề kháng với virus và vi khuẩn của cơ thể giảm. Chính vì vậy, chúng ta cần chú ý tăng cường hệ miễn dịch cho các cụ với chế độ ăn giàu dinh dưỡng và vitamin, đặc biệt là vitamin C. Ngoài ra, khi cơ thể bị lạnh, hệ miễn dịch cũng sẽ hoạt động chậm lại, vì vậy, việc quan trọng là phải luôn giữ ấm cho cơ thể bằng cách thoa dầu nóng vào huyệt dũng tuyền nằm ở vị trí lõm của lòng bàn chân, hoặc ngâm chân bằng nước gừng ấm trước khi ngủ.